Một nghiên cứu mới đây của Tập đoàn IBM (2010 Global CFO
Study) cho thấy, việc sử dụng năng lực phân tích kinh doanh và thông tin
hợp nhất từ các Giám đốc Tài chính (CFO) để hỗ trợ xây dựng chiến lược
sẽ giúp doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Bởi
vậy, việc đánh giá và nhìn nhận đúng vai trò của CFO trong từng thời kỳ
sẽ tạo đà cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp.
Không đơn thuần là Giám đốc Tài chính
Chính việc con tàu kinh tế toàn cầu chòng chành đã hướng sự chú ý
của toàn thế giới vào các CFO, đặc biệt là các tổ chức tài chính mà họ
đang chèo lái. Giữa lúc cả thế giới đang chìm trong bất ổn thì họ thường
xuyên được ban giám đốc mời vào phòng họp để tham gia các cuộc thảo
luận nhằm ứng phó với tình hình.
Ông chủ của họ, các CEO, giờ đây không đơn giản chỉ cần những chuyên
gia làm việc với các con số, mà quan trọng hơn, họ cần những người có
khả năng cung cấp những phân tích, dự báo và giúp xử lý rủi ro trong mọi
khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ định giá cho đến sản xuất. Chính
bởi vậy, các CFO đang nổi lên với nhiều vai trò và trọng trách hơn bao
giờ hết.
Vào những năm 90, vai trò của các CFO chỉ dừng lại ở tư cách là một
đối tác kinh doanh giúp các CEO phát triển và thực hiện thành công các
chiến lược tăng trưởng. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, các CFO
cũng chỉ hướng sự quan tâm của họ vào hiệu quả và kiểm soát chi phí.
Nhưng trong thời gian suy thoái kinh tế gần đây, dưới tác động từ những
thay đổi liên tục của nền kinh tế toàn cầu cũng như những khủng hoảng
tài chính liên hoàn tại nhiều nước, các CFO đã chuyển sang những vai trò
mới phức tạp và nhiều thách thức hơn bao giờ hết.
Những CFO có kết quả hoạt động vượt trội hơn so với các đồng nghiệp
của họ trên mọi chỉ số đánh giá tài chính là những người có khả năng
thúc đẩy 2 năng lực chính trong doanh nghiệp: hiệu quả tài chính (khả
năng xây dựng được các quy trình và chuẩn dữ liệu đồng nhất có thể sử
dụng chung cho các phòng ban trong toàn doanh nghiệp) và thông tin kinh
doanh (có được từ độ chín của năng lực tài chính kết hợp với các năng
lực phân tích và sử dụng công nghệ hỗ trợ để có thể cung cấp các thông
tin chiến lược, tham gia lập kế hoạch và tối ưu hóa các hoạt động kinh
doanh).
CFO toàn cầu và CFO ASEAN
Tuy nhiên, cũng theo kết quả nghiên cứu CFO toàn cầu của IBM, có một
khoảng cách khá lớn trong hiệu quả làm việc giữa các CFO khu vực ASEAN
và các CFO toàn cầu. Các CFO khu vực ASEAN được cho là làm việc kém hiệu
quả hơn so với các đồng nghiệp toàn cầu trong việc xử lý và đưa ra các
thông tin hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Để cải thiện được điều này, họ
cần phải thúc đẩy được quá trình hợp nhất thông tin giữa các bộ phận
khác nhau trong toàn doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các CFO khu vực ASEAN có tỉ lệ thực
hiện các đánh giá tài chính và hiệu quả hoạt động một cách thủ công cao
hơn so với các đồng nghiệp toàn cầu của họ. Họ thiếu sự hỗ trợ của CNTT
trong việc phân tích, xử lý cũng như hợp nhất thông tin.
Các CFO khu vực ASEAN hiện đang thua kém hơn so với các đồng nghiệp
toàn cầu của mình chính bởi mức độ thủ công trong các hoạt động phân
tích thông tin khiến hiệu quả hoạt động phân tích và hợp nhất của họ còn
chưa cao.
Khủng hoảng kinh tế rồi cũng sẽ qua đi, nhưng có một điều chắc chắn
rằng các CFO không thể quay trở lại vai trò của họ thời tiền khủng
hoảng, khi mà họ chỉ đơn giản thực hiện chức năng tính toán bù trừ các
con số. Kỷ nguyên của các CFO với vai trò “tích hợp giá trị” cho các
quyết định mang tính chiến lược của doanh nghiệp đã đến. Nhiệm vụ của
các doanh nghiệp trong giai đoạn này là cần phải trang bị đầy đủ cho các
CFO của họ các công cụ CNTT hỗ trợ để họ có thể thực hiện những vai trò
mới của mình trong giai đoạn kinh tế mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét